Return to site

Trình tự Đám Hỏi từ A – Z Đầy đủ, Chi Tiết Cho Cô Dâu Chú Rể

July 8, 2022

Lễ ăn hỏi là một nghi thức quan trọng trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt Nam ta. Đây là một nét đẹp trong văn hóa cưới hỏi mà các cặp đôi dâu rể không thể bỏ qua trong ngày trọng đại. Các cặp đôi hãy cùng BABY PARADISE tìm hiểu chi tiết về Trình tự Đám Hỏi từ A – Z Đầy đủ, Chi Tiết Cho Cô Dâu Chú Rể để chủ động trong quá trình chuẩn bị cũng như đảm bảo cho ngày trọng đại diễn ra được suôn sẻ nhé!

I. Hiểu biết về đám hỏi của người Việt

Babyparadise.vn lưu ý:

Trong phong tục của người Việt ta, lễ ăn hỏi và một trong 3 nghi lễ quan trọng nhất khi tổ chức đám cưới gồm:

  • Lễ dạm ngõ (lễ chạm mặt): Nhà trai sẽ đến nhà gái để thưa chuyện về việc muốn tổ chức đám cưới. Nhà gái đưa ra những yêu cầu về sính lễ (thách cưới) đối với phía nhà trai.
  • Lễ ăn hỏi: Nhà trai mang sính lễ (tráp hỏi) sang nhà gái để hỏi vợ, xin phép được đón dâu.
  • Lễ đón dâu (rước dâu) và tiệc cưới: Nhà trai chính thức sang nhà gái để làm lễ đón cô dâu về nhà chồng, đồng thời, hai bên tổ chức tiệc để mời họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp đến chung vui.

Nếu xét về ý nghĩa truyền thống, đám hỏi có ý nghĩa quan trọng hơn nhiều so với đám cưới: Khi các nghi lễ của đám hỏi được thực hiện xong, hai người chính thức trở thành vợ chồng son một cách hợp tình, hợp lý, cô dâu có thể chính thức bước chân vào nhà chồng với thân phận làm con.

II. Checklist chuẩn bị cho nghi lễ đám hỏi

1. Nhà trai cần chuẩn bị những gì?

1.1. Dọn dẹp nhà cửa - Bàn thờ gia tiên

  • Nhà cửa nên dọn dẹp lại sạch sẽ, lau dọn bàn thờ tổ tiên. 
  • Có thể treo những quả châu hay hình nộm cô dâu, chú rể trong nhà cho có không khí rộn ràng trong ngày lễ cũng như ngầm thông báo cho mọi người biết ngày vui của mình.

1.2. Chuẩn bị mâm quả

  • Sính lễ chính là vật phẩm nhà trai mang đến để xin hỏi gả cưới cô dâu cũng như là lễ vật cảm ơn của nhà trai. 
  • Tùy vào điều kiện mà nhà trai có thể chuẩn bị 3 - 5 - 7 - 9 - 11 mâm đối với phong tục người miền Bắc và 4 - 6 - 8 - 10 mâm đối với phong tục người miền Nam. 

Mâm quả gồm:

1.2.1. Trầu cau

  • Là mâm quả tượng trưng cho tình yêu sắt son, mặn nồng của cặp uyên ương. 
  • Trầu cau được để nguyên buồng, quả cau phải thật đều tròn, nên chọn buồng cau xanh tươi, được bẻ khéo léo, không nên dùng dao cắt buồng cau tránh cho vợ chồng chia ly sau khi cưới. 
  • Thông thường, một mâm quả sẽ có 80 hoặc 100 lá trầu, lá được chọn phải to tròn, xanh, không bị rách hay và vàng úa. 

1.2.2. Rượu và thuốc lá

  • Mâm rượu này chuẩn bị để chú rể tự tay bê vào nhà gái.
  • Cách sắp mâm lễ rượu thuốc đơn giản tạo nên vẻ đẹp tinh tế cho sính lễ.

1.2.3. Bánh ăn hỏi

  • Mâm bánh ăn hỏi bao gồm bánh cốm, bánh phu thê, bánh đậu xanh hay bánh chưng, bánh giầy. 
  • Là những lễ vật ăn hỏi không thể thiếu và thường đi có đôi có cặp như bánh cốm - bánh phu thê, bánh chưng- bánh giầy.

1.2.4. Trà – mứt sen

  • Trà là lễ vật mang ý kính trọng tượng trưng cho sự thảo hiếu của con cái với tổ tiên, đồng thời cũng là sính lễ thể hiện tình cảm với anh em họ hàng. 
  • Mứt sen mang đậm ý nghĩa sum vầy ngày tết, đồng thời tượng trưng cho sự kết trái của cặp đôi.

1.2.5. Nữ trang

  • Tùy thuộc vào kinh tế gia đình nhà trai: Với những gia đình có kinh tế dư dả, ngoài mâm tráp với những lễ vật tối thiểu mà nhà gái yêu cầu, mẹ chú rể sẽ tặng thêm nữ trang đơn giản như vòng tay nhỏ, đôi bông tai hoặc nhấn đính hôn. 
  • Ý nghĩa là tặng sự giàu sang, sung túc cho đôi uyên ương.

1.2.6. Lễ vật ăn hỏi khác

Một số lễ vật ăn hỏi khác như lợn quay, xôi đỗ hoa mai hay bánh kem, trà... Mỗi lễ vật ăn hỏi này đều mang ý nghĩa khác nhau nhằm chúc cho các cặp đôi hạnh phúc, giàu sang.

1.3. Chuẩn bị trang phục

  • Trang phục của chú rể thường là áo sơ mi kết hợp với quần tây và khoác áo vest. Hoặc chú rể có thể mặc áo dài cách tân phối với quần jean đen và chọn một đôi giày tây.
  • Về phía gia đình nhà trai, các ông, bố, chú cần mặc vest chỉnh tề và các bà, các mẹ sẽ mặc áo dài buổi lễ được trang trọng hơn và tạo được sự đánh giá cao trong mắt gia đình nhà gái.
>> Trang phục được chuẩn bị gọn gàng, tươm tất cho thấy được sự giàu có, trang nhã của chú rể và tạo hình ảnh đẹp khi ra mắt hai bên họ hàng.

1.4. Chuẩn bị người để bưng quả

Bên nhà trai phải chuẩn bị những chàng trai để bưng quả giúp mình:

  • Là các chàng trai phải chưa vợ và nhỏ tuổi hơn mình. 
  • Đội bưng quả nên mặc đồ đơn giản, sơ mi trắng, quần âu và giày tây. 

Trước một ngày chú rể phải chắc chắn là đội bưng quả đi đầy đủ, tránh tình trạng thiếu người khi đã cận giờ qua nhà cô dâu.

1.5. Chuẩn bị xe

  • Việc kế tiếp nhà trai nên chuẩn bị là xe để đưa gia đình mình qua nhà gái, tùy theo đoạn đường mà chọn xe phù hợp.
  • Cần lên kế hoạch thật chu đáo để đảm bảo tới nhà gái đúng giờ: dự trù thời gian đi lại và những trở ngại có thể gặp phải trên đường đi, nên đến trước 30 phút.

1.6. Thợ chụp ảnh

  • Để không bỏ qua những khoảnh khắc quan trọng trong lễ ăn hỏi, các đôi uyên ương nên dành sự quan tâm cho khâu chụp ảnh. 
  • Nếu muốn tiết kiệm chi phí, bạn có thể nhờ bạn bè thân thiết, người thân trong gia đình có khả năng chụp hình tốt.

1.7. Tiền nạp tài

Theo đúng nghi lễ truyền thống thì quan trọng nhất là nhà trai cần chuẩn bị tiền nạp tài.

  • Có thể được đựng trong một phong bì, hoặc chia thành 3, 5 phong bì khác nhau tùy thuộc vào số lượng bát hương trên bàn thờ tổ tiên của nhà gái. 
  • Số lượng phong bì thường là số lẻ. 
  • Phong bì thường là loại to bản, có in chữ hỷ hoặc đôi uyên ương cách điệu. 
  • Các phong bì này được để vào một tráp riêng hay để chung vào với tráp trầu cau khi nhà trai mang sang nhà gái
  • Số tiền nạp lớn hay nhỏ là tùy thuộc vào sự bàn bạc trước của hai gia đình hoặc hoàn cảnh của mỗi gia đình

2. Nhà gái cần chuẩn bị những gì?

2.1. Về trang phục

  • Áo dài: Cô dâu nên mặc áo dài trong đám hỏi và nhớ là chuẩn bị may trước 1 tháng nhé. 
  • Make up: Đám hỏi là lễ ra mắt họ hàng nhà trai vì vậy cô dâu cần chuẩn bị hẹn trước để thợ makeup và làm tóc đặt lịch cho mình. 
  • Giày cao gót: Nhớ lựa chọn giày nào làm bạn thoải mái nhất, vì bạn sẽ phải đứng và đi lại nhiều. 
  • Chuẩn bị áo dài cho mẹ, comple cho bố cùng trang phục của ông bà, người thân thiết nhất để diện trong lễ ăn hỏi.

2.2. Về nhà cửa

  • Nhà cửa sẽ được dọn dẹp gọn gàng sạch sẽ để chuẩn bị tiếp đón quan khách, dọn dẹp thật sạch nơi bàn thờ tổ tiên. 
  • Mua các đồ trang trí dành cho đám hỏi, tên cô dâu chú rể, dây kim tuyến và hoa treo trong nhà để làm cho không khí thêm phần náo nhiệt.
  • Với nhà gái chật, không đủ chỗ cho cả đoàn nhà trai và các thành viên trong gia đình ngồi tham dự lễ ăn hỏi, gia đình phải thuê bạt và dựng trước nhà để dành chỗ cho khách. 
  • Toàn bộ cổng hoa, bạt, bàn ghế phải được vận chuyển, lắp đặt và sắp xếp hoàn thiện trước ngày ăn hỏi để đảm bảo không có sơ sót gì. 
  • Trang trí thêm các lẵng hoa nhỏ trên các bàn uống trà của quan khách để tăng thêm phần ấm cúng
  • Chuẩn bị sẵn mỗi bàn một bộ ấm chén để pha trà để sẵn.

2.3. Chuẩn bị đội bê tráp

  • Cần chuẩn bị sẵn đội bê tráp nữ đủ số lượng với đội bê tráp nhà trai, đồng phục phải đồng đều.
  • Chuẩn bị phong bì lì xì cho đội bê tráp, bao nhiêu người bấy nhiêu phong bì.

2.4. Thuê thợ chụp hình

Để chụp lại những khoảnh khắc đáng nhớ của đám hỏi, nên thuê một thợ chụp hình đẹp để ghi lại những kỷ niệm đẹp này.

2.5. Tiệc đãi đám hỏi

  • Buổi lễ đám hỏi thường diễn ra từ 7-10h sáng, sau đó 2 gia đình sẽ tổ chức ăn trưa cùng nhau để tăng thêm sự thân mật, do nhà gái chủ trì thiết đãi nhà trai
  • Có thể tổ chức tại nhà gái hoặc tại nhà hàng đều được
  • Nên thống nhất số lượng trước của nhà trai và nhà gái

III. Ý nghĩa của số lượng tráp lễ

1. Quan niệm về tráp lễ ở miền Bắc

Tráp lễ ở đây chỉ những mâm tráp (sính lễ) mà nhà gái thách cưới nhà trai, hay còn gọi là lễ vật mà nhà trai mang sang để xin dâu về. Nghi lễ trao tráp này diễn ra trong thủ tục lễ ăn hỏi.

  • Ở miền Nam, số lượng tráp lễ thường là số chẵn (6,8,10 lễ). 
  • Ở miền Bắc, số lễ thường là số lẻ: 5,7,9,11, … tráp (tùy theo điều kiện hai gia đình).

Theo quan niệm của người dân miền Bắc, số lẻ tượng trưng cho yếu tố “dương”. Thêm nữa, tuy số tráp lễ lẻ nhưng số lượng vật phẩm trong mỗi mâm tráp lại là số chẵn. Điều này có ý nghĩa là sự có đôi có cặp, có chẵn có lẻ của người Bắc.

Các tráp lễ ở miền Bắc có đặc điểm chung là rất đầy đặn, được dựng theo hình tháp và được phủ khăn đỏ có hình rồng phượng với ý nghĩa mang đến sự đầy đủ, may mắn thuận lợi, luôn phát triển trong cuộc sống hôn nhân của cặp đôi dâu rể.

2. Lễ vật đám hỏi của người miền Trung

Về nghi lễ thực hiện đám hỏi: Nghi lễ thực hiện đám hỏi của người miền Trung cũng khá giống với nghi lễ của miền Bắc và miền Nam.

Về lễ vật: Người miền Trung thường sẽ chuẩn bị 5 mâm lễ vật cho đám hỏi, số mâm này cũng có thể thay đổi tùy vào điều kiện kinh tế của từng gia đình, thường gồm:

  • Trầu cau
  • Mâm trà và rượu
  • Mâm bánh kem
  • Mâm nem chả
  • Mâm ngũ quả. 

Baby Paradise lưu ý, ngoài những lễ vật trên:

  • Nhà trai sẽ chuẩn bị 1 mâm nhỏ bên trong có tiền mặt gọi là mâm lễ đen. Với những gia đình khá giả thì còn có thể chuẩn bị thêm 1 mâm đựng đồ trang sức, áo dài cho cô dâu.
  • Bên cạnh lễ đen thì mẹ chú rể có thể trao cho cô dâu một phong bì tiền mừng để thể hiện tình cảm, sự quan tâm của mẹ chồng với nàng dâu mới.

3. Ý nghĩa của số 5,7,9,11…

Với quan niệm mâm lễ phải là số lẻ và theo điều kiện kinh tế của hai bên nên con số 5,7,9,11… ra đời. Cụ thể như sau:

  • Tráp 5 lễ ăn hỏi bao gồm: trầu cau, chè, hạt sen và mứt, rượu và thuốc, bánh cốm.
  • Tráp 7 lễ ăn hỏi bao gồm: trầu cau, chè, hạt sen và mứt, rượu thuốc lá, bánh phu thê, bánh cốm, bánh gato.
  • 9 mâm lễ ăn hỏi bao gồm: trầu cau, chè, mứt và hạt sen, rượu và thuốc, bánh cốm, bánh phu thê, bánh gato, lãng hoa quả, lợn sữa quay

Những gia đình có điều kiện hơn thì số lượng tráp lễ cũng sẽ tăng lên thành 11,13… và những lễ vật tăng thêm sẽ là: mâm bia nước ngọt, xôi gấc, bánh nướng bánh dẻo… để tăng sự đa dạng và phong phú hơn.

IV. Thành phần tham dự lễ đám hỏi:

  • Đối với nhà trai: Thành phần tham dự bên nhà trai sẽ có ông bà, bố mẹ, chú rể, các thành viên khác trong gia đình, bạn bè thân thiết và đội các bạn nam độc thân bưng tráp lễ.
  • Đối với nhà gái: Thành phần tham dự bên nhà gái gồm ông bà, bố mẹ, cô dâu, các thành viên khác trong gia đình, bạn bè thân thiết và đội đón tráp gồm các bạn nữ độc thân.

V. Trình tự của đám hỏi

1. Rước tráp lễ

  • Bưng tráp lễ và rước dâu là một trong những thủ tục quan trọng nhất của lễ ăn hỏi người Việt. Dù lễ ăn hỏi ở các vùng miền có khác nhau thì hai công đoạn này vẫn không thể thiếu được.
  • Người xưa quan niệm, cô gái được nhà trai mang tới nhiều tráp lễ, đám cưới càng linh đình thì càng chứng tỏ là lấy được chồng giàu, được nhà chồng trân trọng nên nhiều gia đình có điều kiện, tổ chức đám hỏi lớn còn sử dụng tới 9 hay 11 tráp lễ.
  • Một số đám cưới tối giản theo phong cách hiện đại cũng chỉ sử dụng 2 hoặc 3 tráp lễ vì theo quan điểm của những bạn trẻ hiện đại là một đám hỏi rình rang không quan trọng bằng cuộc sống hai người hạnh phúc.

2. Chào hỏi và trao tráp lễ

  • Theo thủ tục truyền thống, đoàn nhà trai sẽ bưng tráp lễ, dẫn đầu bởi người đại diện dòng họ tới nhà gái. 
  • Hai bên diễn ra việc chào hỏi kết nối hai gia đình lại với nhau. 
  • Khi đội bưng tráp nhà trai mang tráp vào thì đội bưng tráp nhà gái sẽ nhận lấy. 
  • Hai bên gia đình khi này sẽ trao cho mỗi người trong đội bưng tráp một bao lì xì đỏ lấy may. Mỗi bao lì xì này sẽ đặt bên trong một số tiền nhỏ mang đến lời chúc về tình duyên cho những người giúp bê lễ trong ngày ăn hỏi.

3. Thắp hương gia tiên nhà gái

  • Sau khi hai gia đình đã chào hỏi và ngồi uống nước cùng nhau thì chú rể sẽ lên tận phòng đón cô dâu. Trước khi chú rể lên đón thì cô dâu chưa được bước xuống nhà dưới.
  • Hai người sẽ cùng thắp hương gia tiên nhà gái, xin phép tổ tiên cho cô gái được về nhà chồng. Đây cũng là thời khắc để gia tiên nhà gái được thông báo về sự hiện diện của chú rể, từ nay chính thức là con cháu trong nhà.

4. Cô dâu ra mắt hai gia đình

Chú rể sẽ dắt cô dâu xuống nhà dưới để ra mắt cả hai bên gia đình. Đây là thủ tục không thể thiếu trong các bước ăn hỏi, bởi lẽ cô dâu trong đám hỏi chắc chắn sẽ lộng lẫy và xinh đẹp khác hẳn ngày thường.

5. Thưa chuyện và bàn bạc về đám cưới

  • Mặc dù hiện nay, kế hoạch về trình tự lễ cưới hỏi đều được hai bên gia đình thống nhất với nhau từ trước, nhưng quy trình thưa chuyện và bàn bạc về đám cưới vẫn là điều quan trọng chưa từng bị bỏ qua.
  • Trong quá trình này, đại diện hai họ sẽ lên trình bày, thưa gửi về việc xin dâu về nhà chồng, mời nước, mời trà và định ngày cưới, trao đổi một số lưu ý trong ngày trọng đại của cả hai bên gia đình.

6. Nhà gái lại quà nhà trai

  • Bởi nhà trai đã mang đến quá nhiều lễ như vậy, để bày tỏ thành ý của mình, nhà gái cũng thường có các món quà để lại mặt nhà trai. 
  • Các món quà này thông thường không mang nhiều giá trị về vật chất, và cũng không cần bàn bạc trước giữa hai gia đình.
  • Nếu nhà gái không chuẩn bị quà lại mặt, điều này mang ý nghĩa rằng nhà gái không hài lòng về chú rể và nhà trai nên việc lại quà là vô cùng quan trọng và ảnh hưởng đến hạnh phúc của cả cô dâu và chú rể.

7. Chia quà ăn hỏi

  • Chia quà có nghĩa là mang lễ vật ăn hỏi, chia nhỏ thành nhiều phần và tặng cho họ hàng, làng xóm để chia sẻ niềm vui và thông báo tới rộng rãi mọi người chuyện vui của gia đình mình.
  • Việc chia quà ăn hỏi cũng là một nghi thức đẹp, thể hiện sự thảo hiền, sẵn sàng chia ngọt sẻ bùi trong cộng đồng người Việt.

VI. Chương trình lễ ăn hỏi

1. Chương trình lễ hỏi truyền thống

  • Được thực hiện trước ngày cưới khoảng 2 – 3 tháng. Trong khoảng thời gian đó, cô dâu đã được chính thức coi là thành viên của gia đình chồng, tuy nhiên thường vẫn sống tại nhà bố mẹ đẻ.
  • Trong một số trường hợp, nếu như cô dâu có bầu trước, hoặc một trong hai người cần phải đi xa, thì việc tổ chức lễ ăn hỏi trước như việc chứng minh hai người đã có kết nối với nhau. 
  • Lễ ăn hỏi truyền thống thường diễn ra trong một ngày bao gồm cả việc làm lễ, nghi thức và việc đãi tiệc hai bên gia đình. 
  • Trong một số trường hợp, nếu cô dâu và chú rể không hợp tuổi nhau, đám hỏi còn được diễn ra hai lần

2. Chương trình lễ hỏi hiện đại

  • Các chương trình lễ đám hỏi hiện đại tuy không còn giống như truyền thống nhưng tất cả các nghi thức chính đều được giữ gìn và thực hiện trọn vẹn
  • Thường được tổ chức chung trong 2 ngày, hoặc đôi khi có những đám cưới hỏi chỉ gói gọn trong 1 ngày mà thôi. 
  • Trình tự cưới hỏi thông thường là đám hỏi diễn ra vào buổi sáng, đám cưới vào chiều tối, hoặc đám hỏi vào ngày đầu tiên, đám cưới vào ngày thứ hai. 
  • Thời nay, chúng ta đều bận rộn với công việc, cuộc sống nên đám cưới, đám hỏi tối giản, diễn ra trong trọn vẹn một ngày là lựa chọn phổ biến nhất của các bạn trẻ hiện đại.

VII. Lưu ý gì cho một đám hỏi hoàn hảo?

  • Để có một đám hỏi hoàn hảo thì điều quan trọng nhất là sức khỏe của cô dâu, chú rể và cả gia đình. 
  • Một tinh thần thoải mái mới để có thể đón nhận được niềm vui mới một cách sâu sắc nhất. 
  • Cô dâu và chú rể trải qua quá trình dài chuẩn bị, nên cần cố gắng ăn uống, tập thể dục đều đặn để có một sức khỏe dẻo dai.
  • Nên dành thời gian đi khám sức khỏe tiền hôn nhân, đến spa chăm sóc da và thư giãn. 
  • Đặc biệt, chắc chắn cô dâu nào cũng mong muốn mình xuất hiện thật lộng lẫy trong ngày vui, nên hãy uống nhiều nước, đi ngủ sớm và tránh lo lắng, suy nghĩ nhiều 

VIII. Checklist chuẩn bị cho nghi lễ đám hỏi

1. Đặt tráp lễ

Baby Paradise lưu ý : Tráp lễ được coi là linh hồn của buổi lễ ăn hỏi, vậy nên để có những tráp lễ như ý, Baby Paradise khuyên bạn :

  • Nên có kế hoạch và đặt trước từ 1 – 2 tháng. Tuy nhiên, vào các mùa cưới, mùa cao điểm thì bạn nên đặt càng sớm càng tốt, khoảng từ 3-4 tháng trước ngày đám hỏi
  • Tráp lễ ăn hỏi là việc chúng ta không thể tự chuẩn bị được tại nhà mà cần đặt tại các dịch vụ chuyên nghiệp để có một buổi lễ ăn hỏi hoàn hảo

2. Trang phục đám hỏi

Về trang phục trong ngày lễ ăn hỏi:

  • Trang phục của cô dâu và chú rể: Thông thường cô dâu và chú rể sẽ mặc áo dài, khăn xếp truyền thống, việc lựa chọn thuê hoặc may trang phục đám hỏi cũng cần được lên kế hoạch thực hiện trước từ 4 – 6 tháng.
  • Trang phục cho bố mẹ hai bên, cùng trang phục của đội bê tráp nhà trai, nhà gái.

Baby Paradise lưu ý : Nếu lựa chọn thuê trang phục, bạn nên đặt luôn dịch vụ trang điểm tại các studio đó luôn. Bởi không chỉ cô dâu mới cần make-up, mà hai mẹ, và đội bưng lễ cũng cần được make-up trong ngày trọng đại. Điều này giúp bạn tiện lợi hơn, tiết kiệm hơn trong việc đặt lịch, cũng giúp studio có thể chăm sóc cho bạn từ A đến Z một cách dễ dàng.

3. Trang trí nhà cửa

Bởi lẽ đám hỏi nhỏ gọn, chỉ bao gồm các bạn bè thân thiết, hơn nữa tổ chức tại nhà còn tiện cho việc thắp hương xin phép gia tiên nên hầu hết mọi người đều lựa chọn tổ chức tại gia

Baby Paradise khuyên bạn:

  • Không nên bỏ qua việc trang trí nhà cửa ( sửa nhà, sơn tường, ...)
  • Bài trí lại không gian nếu cần thiết vì bạn cũng cần thuê các dịch vụ phông bạt đám hỏi để tạo nên một không gian phòng khách sang trọng, ấm cúng và phù hợp với lễ ăn hỏi.

4. Đặt tiệc

Với việc đặt tiệc chiêu đãi họ hàng, khách khứa trong ngày ăn hỏi

  • Bạn có thể đặt tiệc tại gia nếu như gia đình bạn có không gian đủ rộng rãi
  • Bạn có thể đặt bàn tại các nhà hàng, khách sạn để có thể được phục vụ chu đáo từ A đến Z.
  • Nếu đám hỏi không mời quá nhiều khách, gia đình bạn cũng có thể lựa chọn tự làm cỗ và không cần đặt tiệc.

Baby Paradise lưu ý : Dù cho lựa chọn phương án nào thì việc lên thực đơn, dự trù kinh phí, mua sắm thực phẩm cũng nên được lên kế hoạch từ trước đó khoảng 3 tháng, để bạn có nhiều thời gian sắp xếp, chuẩn bị một cách chu đáo nhất.

5. Một vài chi tiết khác

Ngoài chuẩn bị có tráp lễ, trang phục hay đặt tiệc, Baby Paradise khuyên bạn:

  • Nên cân nhắc lựa chọn về phương thức di chuyển khi đưa dâu: tùy vào khoảng cách giữa nhà trai và nhà gái để quyết định việc số lượng xe thuê, xe cô dâu. Nếu bạn không có xe, cũng không có nhiều kinh phí thì việc mượn xe ô tô là điều hoàn toàn có thể chấp nhận được.
  • Chuẩn bị phong bao đỏ cho đội bê lễ, chuẩn bị nước uống, bánh kẹo, hay hoa tươi cũng là điều quan trọng, không thể thiếu. 

Trong quá trình chuẩn bị cho đám hỏi, Baby Paradise khuyên bạn hãy lập một danh sách chi tiết các việc cần làm để có một đám hỏi diễn ra suôn sẻ và tốt đẹp nhé!

IX. Câu hỏi thường gặp

1. Khác biệt giữa đám hỏi & đám cưới

1.1. Về quy trình tổ chức

Baby Paradise lưu ý: Sự khác biệt giữa đám hỏi và đám cưới trong quy trình tổ chức là:

Đám hỏi

  • Chú rể chỉ cầm chầu rượu, Đại diện nhà trai xin phép đàng gái vào nhà. 
  • Chú rể ở lại cùng dàn bưng quả trao cho nhà gái.

Đám cưới

  • Khi đến nhà gái rước dâu, Đại diện nhà trai đi cùng rể phụ (cầm chầu rượu) xin phép làm Lễ Nhập Gia. Lễ này là thủ tục của người đại diện 2 bên gia đình uống rượu chào nhau. 
  • Đại diện nhà trai và rể phụ cùng bước ra, đưa đoàn người nhà trai vô bắt tay họ hàng nhà gái. Chú rể vẫn đứng lại làm thủ tục trao mâm quả cưới. Chú rể sẽ cầm hoa cưới. 
  • Sau đó sẽ thức hiện các nghi thức khác của lễ cưới.

1.2. Thứ tự xếp hàng của thành phần tham dự

Baby Paradise lưu ý: Sự khác biệt trong thứ tự xếp hàng của thành phần tham dự 

Đám hỏi

  • Đại diện nhà trai
  • Chú rể
  • Ba mẹ
  • Đội bưng quả
  • Họ hàng nhà trai

Đám cưới

  • Đại diện nhà trai
  • Rể phụ
  • Ba mẹ
  • Chú rể
  • Đội bưng quả
  • Họ hàng nhà trai

1.3. Thứ tự mâm quả

Baby Paradise lưu ý: Sự khác biệt trong thứ tự mâm quả

Đám hỏi:

  • Mâm quả Trau cau
  • Mâm quả Rượu và thuốc
  • Mâm quả Lợn sữa quay
  • Mâm quả Hoa quả(có thể là Tráp Long Phụng tùy gia đình)
  • Mâm quả Xôi
  • Mâm quả Mứt và hạt sen
  • Mâm quả Bánh phu thê
  • Mâm quả Bánh cốm
  • Mâm quả Trà

Đám cưới:

  • Mâm quả Trau cau
  • Mâm quả Trà - Rượu - Đèn
  • Mâm quả Hoa quả(có thể là Tráp Long Phụng tùy gia đình)
  • Mâm quả Bánh phu thê
  • Mâm quảBánh Kem
  • Mâm quả Bánh cốm
  • Mâm quả Xôi
  • Mâm quả Heo Quay

2. Khác biệt giữa lễ ăn hỏi & lễ dạm ngõ

2.1. Mục đích khác nhau của Lễ dạm ngõ và Lễ ăn hỏi

Lễ dạm ngõ

  • Được coi là buổi gặp mặt chính thức giữa hai gia đình
  • Nhà trai xin đến nhà gái đặt vấn đề chính thức cho đôi nam nữ được tìm hiểu nhau một cách kỹ càng hơn trước khi đi đến quyết định hôn nhân.

Lễ ăn hỏi (Lễ đính hôn)

  • Là nghi thức quan trọng diễn ra sau, được tổ chức ở nhà gái, là dịp để 2 bên thông báo hôn sự chính thức tới toàn thể gia đình.
  • Sau lễ ăn hỏi, hai bạn trẻ được hai bên gia đình coi như con cái trong nhà bởi hôn sự đã được đính ước, chỉ còn chờ đến ngày lễ cưới chính thức.

2.2. Lễ dạm ngõ khác Lễ ăn hỏi ở lễ vật chuẩn bị

Điểm giống nhau duy nhất là ở cả hai nghi thức này là lễ vật đều do nhà trai chuẩn bị. 

  • Với lễ dạm ngõ thì gần như chỉ có một tráp trầu cau, thuốc lá, bánh, kẹo,… khá đơn giản và không tốn kém. 

  • Với lễ ăn hỏi lễ vật cầu kỳ hơn rất nhiều, thông thường sẽ có: trầu cau, bánh cốm, kẹo, rượu, hoa quả, tiền dẫn cưới,... Tuy nhiên, tùy thuộc vào điều kiện của từng gia đình mà tráp ăn hỏi có thể bao gồm các sính lễ khác nhau với số lượng khác nhau.

2.3. Thủ tục Lễ ăn hỏi phức tạp hơn

Baby Paradise lưu ý:

  • Lễ dạm ngõ chỉ đơn thuần là buổi gặp mặt thân mật để tìm hiểu 

  • Lễ ăn hỏi lại là nghi thức quan trọng có thủ tục các bước rõ ràng: Nhà trai rước lễ vật sang nhà gái, nhà gái chuẩn bị trà bánh tiếp đón, nhà gái nhận lễ, chú rể đón cô dâu xu và cùng thắp hương gia tiên, phát biểu cử hành lễ, đáp lễ (trả lễ, chia lễ).

2.4. Thành phần tham dự trong Lễ dạm ngõ, Lễ ăn hỏi

Baby Paradise lưu ý: Đây là điểm khác biệt rất rõ giữa Lễ dạm ngõ và Lễ ăn hỏi.

  • Lễ dạm ngõ là buổi gặp mặt thân mật của hai gia đình nên gần như chỉ có những người thân trong gia đình như bố mẹ của cặp đôi, cô dâu chú rể, trưởng họ, ông bà, cô bác ruột,… Nghi lễ dạm ngõ diễn ra rất đơn giản nên không cần sự tham gia quá nhiều người.
  • Lễ ăn hỏi, thành phần được mở rộng. Ngoài những người thân trong gia đình còn có cả sự xuất hiện thêm của bạn bè cô dâu, chú rể, hàng xóm láng giềng gần kề thân cận, họ hàng xa thân thiết với hai gia đình,…

2.5. Trang phục của cô dâu chú rể

Baby Paradise lưu ý:

  • Lễ dạm ngõ chỉ mang tính hình thức như một nghi lễ bắt buộc nhưng về bản chất thì ngày càng được đơn giản hóa, nam nữ chỉ cần ăn mặc đẹp, lịch sự như váy hay áo sơ mi, quần âu là được, không có quy định bắt buộc về trang phục.

  • Trang phục đám hỏi lại có quy định rõ ràng hơn, cô dâu chú rể phải mặc áo dài (chú rể có thể lựa chọn comple), trong đó áo dài màu trắng hoặc đỏ được nhiều cặp đôi ưa chuộng. Trang phục đơn giản và nhẹ nhàng giúp buổi lễ ăn hỏi diễn ra đàm ấm hơn.

3. Đám hỏi cô dâu mặc gì? Chú rể mặc gì là phù hợp?

3.1. Đám hỏi cô dâu mặc gì?

  • Áo dài truyền thống: Áo dài Việt Nam vừa kín đáo, vừa ôm sát cơ thể để khoe được những đường cong mềm mại, phù hợp với cô dâu yêu thích phong cách nhẹ nhàng, nữ tính 

  • Áo dài cách tân: Với form dáng tương tự như chiếc áo truyền thống, áo dài cách tân được cách điệu ở một vài chi tiết như cắt tà, thay quần bằng váy, giảm chiều dài tay áo,... để tạo được nét dịu dàng, tự nhiên nhưng lại không kém phần cá tính cho các cô gái trong ngày vui của mình.

  • Đầm hiện đại: Cô dâu thường chọn diện những chiếc đầm form suông được thiết kế khá đơn giản chứ không cầu kỳ để tạo nên sự mới mẻ, vừa hiện đại lại không kém phần nhã nhặn.

3.2. Đám hỏi chú rể mặc gì?

  • Áo dài: Nếu cô dâu đã lựa chọn áo dài thì chú rể cũng sẽ diện áo dài đôi với vợ chưa cưới trong ngày ăn hỏi. Thường thì cả 2 sẽ chọn trang phục cùng màu, cùng họa tiết để thể hiện sự kết đôi. 

  • Đồ vest: Vest được may theo form đứng, cứng cáp nên sẽ tôn lên sự chững chạc, lịch lãm cho người mặc. Có thể lựa chọn một số màu sau đây: trắng, đen, xanh,...