Return to site

Tưa lưỡi ở trẻ - Nguyên nhân, điều trị và phòng tránh

January 17, 2021

1. Tưa lưỡi là gì?

  • Tưa lưỡi hay còn gọi là bệnh nấm lưỡi là tình trạng niêm mạc miệng, lưỡi, họng và có thể là cả thực quản bị nhiễm nấm candida 
  • Gây tình trạng xuất hiện những màng giả mạc màu trắng bám chắc trên bề mặt lưỡi họng, khó bong ra khi lau rửa gây đau rát, chảy máu khi cọ xát.
  • Có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và những người nhiều tuổi.

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh:

  • Có hệ thống miễn dịch bị suy yếu, có thể là bẩm sinh hoặc do mắc các bệnh lý về hệ miễn dịch như HIV, ung thư...;
  • Đang sử dụng kháng sinh hay corticoid để điều trị bệnh;
  • Mẹ bị nấm vùng bộ phận sinh dục trong thời kỳ mang thai hay bị nấm vú trong thời gian cho con bú;
  • Trẻ thường xuyên bị khô miệng.

2. Dấu hiệu bị nấm lưỡi ở trẻ sơ sinh

    • Xuất hiện những chấm trắng nhỏ hình tròn ở phía trên đầu lưỡi, sắp xếp tạo thành một sợi dây trên lưỡi của trẻ. Những chấm trắng này có thể lan rộng thành mảng trên bề mặt lưỡi 
    • Gây mất vị giác, trẻ bỏ bú, biếng ăn, có thể đau đớn, quấy khóc, dễ kích động khi bú
    • Nếu không được điều trị sẽ phát triển dày lên, có thể lan vào đường thở gây ho, viêm phổi, viêm phế quản, nấm phổi. Nếu lan xuống dạ dày có thể gây tiêu chảy rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.
    • Tưa lưỡi bám chặt vào bề mặt lưỡi, khó bong, khi có cọ xát hay cố cậy sẽ gây đau, chảy máu, nặng thì nhiễm khuẩn, rất nguy hiểm đối với sức khỏe của trẻ.

    3. Phân biệt giữa tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh với cặn sữa:

    Cặn sữa là:

    • Thường xuất hiện sau mỗi lần trẻ bú mẹ hay uống sữa, xuất hiện dưới dạng các chấm nhỏ màu trắng dễ bong và trôi khi nuốt nước bọt hay uống nước
    • Không gây đau đớn, không chảy máu, không làm trẻ khó chịu quấy khóc;
    • Nếu để lớp dày sẽ có ảnh hưởng đến vị giác nhưng không nhiều. Hiện tượng này hết khi lấy hết cặn sữa ra ngoài.

    Phân biệt bệnh tưa lưỡi ở trẻ và cặn sữa

    4. Những giai đoạn phát triển của bệnh tưa lưỡi

    4.1. Khi bệnh mới hình thành

    • Khi bệnh mới xuất hiện, rất nhiều chấm trắng hình thành ở đầu lưỡi của trẻ, có kích thước tương đối nhỏ với hình tròn, lâu dần phát triển càng nhiều. 
    • Sau một thời gian mặt trên của lưỡi có một lớp trắng xóa bao phủ lên, lúc ấy tạo thành những mảng trắng.
    • Em bé rất hay quấy và khóc nhiều, ăn uống kém hơn và thường xuyên bỏ bú. 

    4.2. Khi bệnh phát triển nghiêm trọng

    Nếu như cha mẹ không phát hiện sớm tình trạng nấm lưỡi ở trẻ nhỏ thì bệnh sẽ biến chuyển nghiêm trọng và xâm nhập vào các cơ quan khác nhau trong cơ thể

    • Khi bệnh lây lan tới hệ hô hấp qua cổ họng, thực quản, khí quản trẻ có nguy cơ mắc các bệnh như: viêm phổi, viêm phế phản, thậm chỉ là bệnh nấm phổi. 
    • Khi bệnh tấn công vào hệ tiêu hóa thông qua dạ dày, hậu quả là trẻ bị bệnh tiêu chảy, cơ thể mất nước rất nhiều.

    5. Nguyên nhân chủ yếu gây bệnh

    5.1. Do nấm hoặc vi rút gây bệnh

    • Một trong những nguyên nhân chủ yếu khiến em bé bị bệnh nấm lưỡi đó là do sự tấn công của nấm hoặc vi rút.
    • Nếu như vi rút là tác nhân chính gây bệnh thì cha mẹ sẽ thấy những vết loét xuất hiện trong miệng. Em bé cũng có một số hiện tượng khác như: sốt cao, hơi thở hôi,… Cha mẹ nên lưu ý để theo dõi và điều trị cho con kịp thời.

    5.2. Do chăm sóc bé chưa đúng cách

    • Hiện tượng trẻ bị tưa lưỡi có thể là do sau khi cho con bú hoặc ăn dặm, cha mẹ không vệ sinh miệng cẩn thận.
    • Một số em bé bị bệnh tưa lưỡi là do thức ăn không phù hợp với con hoặc bé phải ăn nhiều đồ cứng và quá khô, mẹ cần tìm hiểu những thực phẩm phù hợp với con trong giai đoạn ăn dặm

    5.3. Do lây bệnh từ mẹ

    Bên cạnh những lý do kể trên, trẻ nhỏ có nguy cơ bị nấm lưỡi do lây bệnh từ mẹ. Ví dụ như người mẹ bị bệnh, sau khi em bé bú mẹ thì nấm gây bệnh có thể lây truyền từ mẹ sang con.

    6. Các hậu quả nguy hiểm của bệnh tưa lưỡi

    Cha mẹ nếu không phát hiện sớm tình trạng tưa lưỡi ở trẻ nhỏ thì bệnh có thể sẽ tiến triển nghiêm trọng, xâm nhập vào các cơ quan khác của cơ thể, nhất là hệ hô hấp hoặc hệ tiêu hóa.

    • Hệ tiêu hóa: Nấm tấn công xuống ruột làm rối loạn hấp thu chất dinh dưỡng. Hậu quả là khiến trẻ kém hấp thu, tiêu chảy, còi cọc, chậm lớn. Một số, trường hợp nấm có thể tới gan.
    • Hệ hô hấp: Nấm cũng có khả năng tới phổi gây ho, viêm phổi, viêm phế quản.

    7. Làm gì khi trẻ bị tưa lưỡi?

    7.1.Với trường hợp nấm lưỡi nhẹ

    Đối với những trường hợp bị tưa lưỡi nhẹ, chưa bắt buộc phải dùng đến thuốc, có thể tiến hành chăm sóc vệ sinh vùng miệng và đánh tưa lưỡi theo tư vấn của bác sĩ

    Các bước đánh tưa lưỡi cho bé:

    • Rửa tay sạch bằng dung dịch sát khuẩn để đảm bảo vô trùng
    • Cho trẻ nằm cố định trên giường hoặc bế trẻ nếu như trẻ không hợp tác
    • Sử dụng miếng gạc mềm quấn quanh đầu ngón tay trỏ một lượt hoặc đeo miếng gạc tưa lưỡi dạng ống vô trùng;
    • Nhúng ngón tay có gạc vào dung dịch Nystatin 500.000 đơn vị đã được pha sẵn chuẩn bị trước đó rồi chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng. 
    • Đưa nhẹ ngón tay quấn gạc vào mặt trên của lưỡi, lau từ trong ra ngoài một lượt rồi thay miếng gạc khác. Làm lặp lại lần 2 nếu như trẻ có nhiều mảng tưa lưỡi;
    • Thay miếng gạc khác để lau mặt trong 2 bên má, trên vòm miệng, vùng nướu với các vị trí khác trong khoang miệng của trẻ;

    Lưu ý khi đánh tưa lưỡi cho trẻ:

    • Không để các tưa rơi vào miệng trẻ, không đưa ngón tay vào quá sâu sẽ gây kích thích cổ họng, nôn trớ, thậm chí tổn thương họng;
    • Đánh tưa lưỡi bằng dung dịch chứa hoạt chất chống nấm, hoặc dung dịch muối NaCl 0,9% ngày 4 lần;
    • Rơ lưỡi bằng thuốc cho trẻ trước mỗi bữa ăn 30 phút để tránh trẻ bị nôn trớ;
    • Không sử dụng mật ong để đánh tưa lưỡi cho trẻ dưới 12 tháng tuổi;
    • Không tự ý đánh tưa lưỡi cho trẻ bằng thuốc khi chưa có chỉ định và hướng dẫn của bác sĩ;
    • Không cậy tưa lưỡi bằng mọi hình thức vì sẽ gây chảy máu, có thể có nguy cơ nhiễm khuẩn;

    Ở những trường hợp trẻ bị nấm lưỡi ở mức độ nhẹ có thể dùng nước muối sinh lý hoặc dung dịch iod povidine 1%, dùng gạc thấm dung dịch để lau sạch khoang miệng cho trẻ hàng ngày nhất là sau khi ăn.

    7.2. Điều trị dùng thuốc

    1. Điều trị những trường hợp nấm nặng cần phải sử dụng các dòng thuốc kháng nấm với liều lượng phù hợp với lứa tuổi cũng như tình trạng bệnh hiện tại.

    • Nystatin:
      • Là thuốc kháng nấm rất tốt và an toàn ở những trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ bị nấm lưỡi;
      • Thời gian điều trị dùng liên tục trong 7 ngày bằng cách rơ miệng cho trẻ;
      • Liều sử dụng: Dạng viên bao đường 500.000 đơn vị, mỗi lần dùng 1/5 viên pha với 1ml nước muối sinh lý NaCl 0,9% hoặc nước nấu chín để nguội. Sau đó dùng miếng gạc sạch quấn quanh ngón tay trỏ đánh tưa lưỡi cho trẻ.
    • Miconazol:
      • Thuộc nhóm thuốc imidazol tổng hợp, có tác dụng chống nhiều loại nấm khác nhau.
      • Cách dùng: bôi tại chỗ dưới dạng gel rơ miệng có nồng độ 2%.
      • Lưu ý khi sử dụng miconazol:

    Lưu ý khi điều trị bằng thuốc cho trẻ bị tưa lưỡi

    • Không dùng với trường hợp trẻ bị dị ứng với miconazol hay có bệnh lý về gan;
    • Tác dụng phụ có thể gặp khi dùng thuốc: rối loạn tiêu hóa (nôn, buồn nôn, đôi khi bị tiêu chảy) viêm gan, mẩn ngứa...;
    • Dùng một lượng gel vừa phải để tránh tắc nghẽn ở cổ họng của trẻ gây nghẹt thở;
    • Hỏi bác sĩ khi trẻ có đang sử dụng kèm các loại thuốc khác.

    2. Với những trường hợp trẻ bỏ bú và đau nhiều, bị nấm trên diện rộng, cần kết hợp sử dụng kháng nấm toàn thân bằng đường uống như fluconazole hoặc itraconazole.

    Lưu ý khi điều trị thuốc:

    • Không được cố cậy tưa lưỡi bằng mọi hình thức vì sẽ gây tổn thương chảy máu;
    • Sau khi đã điều trị ổn, do bệnh dễ tái phát nên phải tiếp tục rơ lưỡi cho trẻ trong ít nhất 2 ngày, vệ sinh miệng thường xuyên cho trẻ;
    • Nên điều trị cho cả mẹ và bé trong quá trình điều trị;

    8. Cách phòng tránh tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh

    Để phòng bệnh nấm lưỡi cho trẻ tốt nhất nên phòng từ cả hai phía mẹ và bé.

    Đối với trẻ:

    • Thường xuyên vệ sinh sạch sẽ khoang miệng của trẻ nhất là sau khi bú;
    • Sử dụng khăn tắm riêng cho mỗi thành viên trong gia đình, lưu ý hơn về các đồ dụng vật dụng, đồ chơi của bé đều phải được làm sạch bằng nước nóng để có thể tiêu diệt các loại bào tử nấm;
    • Vệ sinh miệng thường xuyên mỗi ngày cho trẻ bằng nước muối sinh lý 0,9% hoặc nước sạch ấm;
    • Đặc biệt lưu ý ở những trẻ có mắc các bệnh liên quan đến hệ miễn dịch như HIV, đái tháo đường.... phải kết hợp điều trị với nâng cao sức đề kháng cho trẻ

    Đối với mẹ:

    • Vệ sinh lại đầu vú trước và sau mỗi lần cho bú;
    • Giữ gìn vệ sinh nhà cửa sạch sẽ;
    • Trong quá trình mang thai, nếu mẹ phát hiện bị nhiễm nấm âm đạo thì cần gặp bác sĩ để được khám, điều trị kịp thời tránh lây nhiễm cho trẻ trong quá trình sinh thường;
    • Đang trong quá trình nuôi con, cho con bú, nếu mẹ phát hiện bị nấm núm vú cũng cần khám và điều trị ngay để tránh lây cho trẻ quá những lần cho bú;
    • Tránh hôn, không để người lạ hôn môi hay hôn má trẻ vì dễ bị lây nhiễm nấm cho trẻ.

    9. Mẹo hay trị tưa lưỡi cho trẻ sơ sinh tại nhà

    9.1. Trị tưa lưỡi cho bé bằng rau ngót

    Không chỉ có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, nước rau ngót còn giúp loại bỏ các mảng bám trên lưỡi bé một cách hiệu quả, an toàn.

    • Lấy 1 nắm lá rau ngót rửa sạch, đun sôi với nước muối loãng. 
    • Đợi nước nguội bớt, mẹ lấy lá ngót nghiền nát rồi lọc lấy nước, dùng nước này để rơ lưỡi bé vào buổi sáng và tối. 
    • Chỉ nên áp dụng cho trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên, vì rau ngót có thể gây kích thích đường ruột, rối loạn tiêu hóa, đi ngoài nhiều lần thậm chí là ngộ độc cho trẻ.

    9.2. Trị tưa lưỡi cho bằng lá hẹ

    Lá hẹ là loại thực phẩm có tác dụng kháng khuẩn và làm sạch lưỡi rất an toàn cho bé.

    • Lá hẹ rửa sạch, đập dập, sau đó cho ít nước sôi vào khuấy đều, lọc lấy nước. 
    • Mẹ dùng nước đó rơ lưỡi cho bé 2 lần mỗi ngày, sáng và tối.

    9.3. Trị tưa lưỡi cho bé bằng trà xanh

    Các tinh chất có trong lá trà xanh giúp sát khuẩn tự nhiên cho nên rất tốt để trị tưa lưỡi cho bé

    • Rửa sạch lá trà xanh, đun sôi với nước sạch cùng vài hạt muối khoảng vài phút cho lá trà phai ra. 
    • Để nước trà nguội bớt, rồi lấy nước này rơ lưỡi cho bé hàng ngày.
    • Phương pháp này chỉ thích hợp cho bé từ 6 tháng trở lên.

    9.4. Trị tưa lưỡi cho bé bằng nước muối

    • Đây là cách làm đơn giản nhất nhưng mang lại hiệu quả cao trong việc điều trị tưa lưỡi cho trẻ.
    • Mẹ có thể tự pha nước muối ở nhà hoặc mua nước muối sinh lý để rơ lưỡi cho bé.

    10. Chế độ dinh dưỡng để trị bệnh tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh

    Chế độ dinh dưỡng phù hợp không chỉ giúp bé tăng cường miễn dịch mà còn giúp bé sơ sinh bị tưa lưỡi cảm thấy dễ chịu hơn khi ăn. Mẹ nên:

    • Bổ sung cho trẻ thực phẩm giàu chất dinh dưỡng (chất đạm, vitamin…) giúp trẻ có sức đề kháng tốt, tăng cường hệ miễn dịch.
    • Cho trẻ ăn nhiều sản phẩm có lợi khuẩn Probiotic, đặc biệt là sữa chua để tăng cường miễn dịch cho bé
    • Nên cho trẻ ăn thức ăn mềm như cháo, sữa, sinh tố… để tránh làm tổn thương vùng lưỡi bị nhiễm nấm.
    • Không cho trẻ ăn đồ cay nóng, đồ ăn có nhiều đường, đồ ăn quá cứng.

    Lưu ý: Trong trường hợp bệnh nặng, bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ sử dụng 1 số loại thuốc chống nấm sau: Nystatin, Miconazole, Fluconazole… Bệnh sẽ khỏi sau 2-3 tuần điều trị.

    11. Câu hỏi thường gặp của mẹ khi bé sơ sinh bị tưa lưỡi

    11.1. Trẻ bị tưa miệng có đau không?

    • Tưa lưỡi do nấm tấn công, ăn sâu vào niêm mạc lưỡi, làm tổn thương lớp niêm mạc gây đau rát lưỡi trẻ.

    • Tình trạng bị tưa lưỡi ở trẻ sơ sinh sẽ đau tăng khi nhai nuốt do xảy ra cọ xát với vùng nhiễm nấm khiến trẻ quấy khóc, biếng ăn, bỏ bú

    • Trẻ chỉ hết đau khi nấm lưỡi được chữa khỏi.

    11.2. Trẻ bị tưa lưỡi có nguy hiểm không?

    Bệnh thường không gây nguy hiểm khi nhẹ và được điều trị sớm nhưng có thể gây 1 số phiền phức khi bé bị tưa lưỡi nặng :

    • Nấm lưỡi phát triển nhanh và lây lan ra toàn khoang miệng làm bệnh nặng thêm.
    • Nấm có thể lan xuống cơ quan hô hấp của trẻ gây viêm nhiễm.
    • Nấm có thể lan xuống họng, thực quản gây khó nuốt, nôn chớ, tức ngực.

    11.3. Em bé bị tưa lưỡi có lây không?

    Tưa lưỡi có nguyên nhân chủ yếu do nấm Candida và có thể lây cho người khác hoặc tự lây từ lưỡi sang các cơ quan khác trong cơ thể.

    • Em bé bị tưa lưỡi lây cho trẻ khác khi: Dùng chung đồ dùng cá nhân (bình nước, cốc, thìa, đồ chơi…), trẻ bú mẹ (lây sang đầu ti của mẹ).
    • Em bé bị tưa lưỡi nặng, nấm có thể lây lan từ lưỡi miệng xuống cổ họng, thực quản, khí phế quản..